Friday, December 26, 2014

Duyên số và sự lựa chọn



Thế nào là duyên số? Và thế nào là sự lựa chọn? Hãy suy gẫm những điều sau đây.
 

Khi ta ở đúng vào một thời điểm nào đó. Và ta gặp được đúng người ta yêu. 

Đó là duyên số.

Khi bạn gặp ai đó làm lòng bạn xao xuyến. Ðó không phải là một sự lựa chọn. 


Đó là duyên số


Khi bạn gặp tiếng sét ái tình (và không ít những đôi lứa đến với nhau từ đây) thì chắc chắn không phải là một sự lựa chọn rồi. Đó là duyên số

Vấn đề là những gì xảy ra tiếp theo sau đó. Khi nào bạn vượt qua tình trạng bồng bềnh, choáng ngợp và chìm đắm của tình yêu để bước sang một tầm thức mới? Đó là khi lý trí trở về, khi bạn ngồi lại và suy nghĩ xem liệu bạn có thật sự muốn tiến tới một mối quan hệ bền vững hay để tất cả vào kỷ niệm.

Nếu bạn quyết định yêu một ai đó với tất cả những nhược điểm của họ. Ðó không còn là duyên số nữa.
 

Ðó là sự lựa chọn.

Khi bạn chọn sánh vai cùng một ai bất kể những ngọt bùi, đắng cay... của cuộc đời.


Ðó là sự lựa chọn.

Cho dù bạn biết rất rõ rằng có rất nhiều người ở bên ngoài trái tim bạn duyên dáng hơn, giàu có hơn người bạn yêu, nhưng bạn vẫn quyết lòng yêu người đó không thay đổi.
 

Ðó là sự lựa chọn.

Sự choáng ngợp, bồng bềnh và tiếng sét tình yêu đến với ta bằng cơ may, nhưng tình yêu đích thực thì chính là sự lựa chọn của trái tim, chính sự lựa chọn của chúng ta. Nói về bạn đời, có một câu nói khá hay và đúng: 


"Ðịnh mệnh mang chúng ta đến với nhau nhưng chính chúng ta làm cho định mệnh thành sự thật".

Chúng ta sống trên đời này không phải để tìm thấy một người hoàn mỹ để yêu mà chính là để học cách yêu thương một người không hoàn mỹ một cách trọn vẹn...

Theo Sống đẹp

Thursday, December 4, 2014

Những điều phụ nữ không nên kể với người khác về chồng mình



Chồng bạn không thể tự thay dầu xe, anh ấy không giỏi sửa nhà? Bạn bè của bạn không cần phải biết điều này.
 
Có 10 chủ đề bạn không nên chia sẻ với người khác về chồng mình, hãy cẩn trọng vì những chia sẻ quá mức có thể làm hỏng cuộc hôn nhân của bạn:

1. Nỗi sợ hãi của chồng

"Phụ nữ thường không ngần ngại khi chia sẻ về nỗi sợ hãi của họ," Audrey Sherman, tiến sĩ, nhà phát triển kỹ năng tâm lý giáo dục nói. 

Tuy nhiên, tiết lộ rằng anh ấy sợ sấm sét hoặc chó dữ, có thể làm cho anh ấy trở nên yếu đuối trong mắt người khác. 

Quan trọng hơn, khi anh ấy đã tin tưởng mà chia sẻ những lo sợ của mình với bạn, tiết lộ những bí mật của anh ấy chứng tỏ bạn không phải là một người an toàn để tâm sự, tiến sĩ Sue Johnson, tác giả của cuốn Love Sense: The Revolutionary New Science of Romantic cho biết thêm. 

Trước khi bạn chia sẻ, hãy suy nghĩ xem anh ấy sẽ cảm thấy thế nào khi biết được chuyện này.

2. Đời sống tình dục của bạn - trừ khi đó là lời khen ngợi

Trao đổi những câu chuyện nhạy cảm là một phần trong những buổi trò chuyện của các cô gái. 

Bạn không nên chia sẻ về kích thước, vẻ ngoài hay hành động của anh ấy, tiến sĩ Elizabeth Lombardo, tiến sĩ, tác giả của cuốn A Happy You: Your Ultimate Prescription for Happiness nói. 

"Phụ nữ có xu hướng nhạy cảm về ngoại hình của họ", tiến sĩ Lombardo chỉ ra. 

Hãy tưởng tượng nếu chồng bạn kể với bạn bè của anh ấy rằng bạn thường mặc quần bóp dáng, và bạn đã già nua từ mấy năm trước rồi, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm và bị phản bội, đúng không? Vì vậy, nếu muốn chia sẻ, hãy chỉ đưa ra một vài nhận định tích cực và ngắn gọn về chồng mình.  

3. Thói quen khó chịu của chồng - với gia đình

Phê bình chồng, ngay cả về những chuyện nhỏ nhặt như để quên giầy ở ngoài, cũng có thể tạo ra căng thẳng. "Nói về những thiếu sót của chồng sẽ tạo cho người khác cái nhìn tiêu cực về chồng bạn”, tiến sĩ Lombardo giải thích. Hãy nghĩ xem bạn có cần thiết phải kể những câu chuyện đó ra không. Đó có thể là một câu chuyện đùa. Bạn không nên tiết lộ những vấn đề nghiêm trọng mà chưa thảo luận trước với chàng.

4. Nói rằng anh ấy không phải người đàn ông lý tưởng hoặc thất bại trong công việc

Kể với bạn bè rằng chồng mình chưa thành công trong công việc là lợi bất cập hại. "Nền văn hóa của chúng ta thường mặc định rằng những người đàn ông có thể kiểm soát và cáng đáng mọi việc lớn”, tiến sĩ Johnson nói. Việc tiết lộ rõ ràng điều đó có thể khiến chồng bạn trở nên hèn kém trong mắt người khác. Có ngoại lệ không? Đó là khi chồng nhờ bạn giúp đỡ tìm kiếm công việc mới. Trong trường hợp đó, những lời giới thiệu từ bạn bè có thể tạo nên sự khác biệt.

5. Sự vụng về của anh ấy

Chồng bạn không thể tự thay dầu xe, anh ấy không giỏi sửa nhà? Bạn bè của bạn không cần phải biết điều này. 

"Đàn ông bị đánh đồng nam tính với việc có thể sửa chữa mọi thứ", tiến sĩ Lombardo nói, bởi vì vai trò truyền thống của người đàn ông là cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho gia đình của họ. 

Mặc dù ý tưởng này có vẻ lỗi thời, đối với nhiều người đàn ông, thật khó có thể chia sẻ điều đó. Bạn muốn kể với người khác câu chuyện hài hước về chiếc bàn hỏng 3 chân nhà mình? 

Hãy trò chuyện với anh ấy trước hoặc để anh ấy tự nói ra.

6. Một thiếu sót lớn mà bạn chưa từng nói với anh ấy

Cho dù anh ấy không quan tâm, gần gũi với con cái, hay nóng nảy, không chịu thỏa hiệp, hãy nói với chồng bạn trước tiên chứ không phải là bạn bè của bạn. 

Nói về các vấn đề nghiêm trọng sau lưng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm của hai bạn. Theo tiến sĩ Johnson, không góp ý về những thiếu sót của nhau sẽ dẫn đến một mối quan hệ bí bách, đau khổ.  

7. Những điều không hay mà chồng nói về bạn, gia đình và bạn bè của bạn

"Chia sẻ những nhận xét tiêu cực mà chồng đã nói sẽ làm cho bạn bè của bạn không muốn tới gần anh ấy”, tiến sĩ Sherman nói, điều này làm mất thiện cảm của bạn bè với chồng bạn. 

Thậm chí, tiết lộ những điều này có thể kéo cả gia đình bạn vào để giải quyết vấn đề. 

Nếu chồng liên tục đưa ra những nhận định tiêu cực về một người nào đó hoặc người thân của bạn, hãy cho anh ấy cơ hội để hiểu ra và sửa chữa. 

Nếu anh ấy có những nhận xét chê bai thường xuyên, hãy mặc kệ. 

Hãy tập trung vào những điểm tốt của anh ấy, bạn sẽ hạnh phúc hơn.

8. Quan điểm chính trị hoặc tôn giáo của anh ấy

Bạn có thể cảm thấy thoải mái trong những cuộc tranh luận sôi nổi với bạn bè, còn những quan điểm của chồng bạn, hãy để anh ấy tự nói ra. Anh ấy có thể có lý do nghề nghiệp hoặc cá nhân để giữ cho những điều này cho riêng mình. 

Bài học quan trọng ở đây là giao tiếp: "Biết thông tin thật về nhau sẽ loại bỏ được sự phỏng đoán", tiến sĩ Sherman nói. Nếu bạn muốn đề cập đến quan điểm tín ngưỡng tôn giáo hoặc chính trị của chồng, hãy đề cập một cách đơn giản. 

Ví dụ, nếu bạn đang mời tham dự một lễ rửa tội mà chồng bạn không tham gia, chỉ nên nói rằng: “Chồng mình không theo Công giáo, nên anh ấy không muốn đi”, và không đi vào chi tiết hơn, tiến sĩ Johnson nói.

9. Mối quan hệ căng thẳng của anh ấy với một thành viên gia đình

Đàn ông có thể chậm chạp khi giải quyết những vấn đề làm họ buồn lòng, đặc biệt là với người thân. 

"Đó là một cơ chế đối phó từ khi anh ấy còn là một đứa trẻ trai", tiến sĩ Lombardo nói. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì anh ấy chưa giải quyết được vấn đề, tuy nhiên, nói ra khi anh ấy không ở đấy cũng không thể giải quyết được vấn đề. 

"Bởi vì đó là gia đình hoặc bạn bè của anh ấy, anh ấy sẽ tự chọn lựa và giải quyết vấn đề của riêng mình”, tiến sĩ Lombardo nói. 

Bạn không thể hiểu được cách giải quyết của chàng, nhưng hãy cố gắng tôn trọng nó. “Hãy thật khôn ngoan bằng cách thể hiện sự cảm thông trong tình huống này”, tiến sĩ Johnson nói.

10. Thời điểm khó khăn trong quá khứ của anh ấy

Phụ nữ dường như rất dễ dàng chia sẻ khó khăn và nhắc lại quá khứ. Tuy nhiên, "đàn ông không muốn nhắc lại quá khứ của mình", tiến sĩ Lombardo nói. 

Vì vậy, bạn không nên chia sẻ những khó khăn, thử thách mà anh ấy gặp phải. Nếu bạn tự hào về một thử thách anh ấy vượt qua hoặc nghĩ rằng một người bạn rất muốn nghe câu chuyện này, hãy khuyến khích chồng tự chia sẻ câu chuyện của mình. 

Anh ấy sẽ chia sẻ nếu biết rằng câu chuyện của mình có thể giúp đỡ một người nào đó. 
VnExpress/Quỳnh Trang (Nguồn: Goodhousekeeping)
 
Copyright © 2013 CẨM NANG YÊU | Powered by Blogger