Saturday, July 6, 2013

TẠI SAO TÌNH YÊU SỤT GIẢM SAU HÔN NHÂN

TẠI SAO TÌNH YÊU SỤT GIẢM SAU HÔN NHÂN



(chuyencamcuoi.blogspot.com) - Theo Mới Magazine

Có phải bản chất tình yêu là hay thay đổi? Tình yêu tuyệt đối có tồn tại mãi không? Tại sao tình yêu sụt giảm sau hôn nhân? Những câu hỏi từng làm đau đầu nhiều thế hệ suốt thời gian dài, trong khi rất nhiều bộ môn khoa học khác đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thì tình yêu bị đặt ra ngoài mọi phạm vi nghiên cứu.

Tình yêu - hôn nhân qua góc nhìn của các nhà khoa học

Tron cuốn The Science of Love (Khoa học của tình yêu) xuất bản cách đây không lâu, nhà hóa học người Mỹ Anthony Walsh tuyên bố ông đã phát hiện "hóa chất yêu" trong dung dịch hormone của những kẻ đang yêu. Hóa chất này có tên khoa học viết tắt là PEA. Khi chúng ta bắt đầu yêu say đắm thì "nhà máy PEA" cũng bắt đầu làm việc.

Nhưng nếu hai người được sống bên nhau một thời gian, nhà máy đó lại ngừng sản xuất ngay và xét nghiệm hormone của họ không thấy PEA đâu nữa. Anthony kết luận: "Tình yêu say đắm không bao giờ tồn tại được lâu". Lẽ nào "tính bội bạc" của con người trong tình yêu - nhất là người đàn ông - không phải do chính họ mà do tạo hóa? (sự can thiệp của hormone)

Trong khi đó, các nhà tâm lý học lại đi theo hướng khác. Xuất phát từ quy luật mài mòn cảm xúc, họ chứng minh tất cả mọi xúc cảm của con người như tức giận, nhớ nhung, vui sướng, buồn khổ không bao giờ giữ nguyên một cường độ không đổi mà đều có tăng lên, rồi suy giảm theo thời gian và dĩ nhiên tình yêu - một loại cảm xúc - không thể nằm ngoài quy luật đó, cho dù nó mãnh liệt và thiêng liêng hơn.

Đó là chưa kể khi yêu nhau người ta nhìn nhau qua một "cặp kính thần" nó phóng đại ưu điểm của đối tượng yêu lên hàng trăm lần và thu nhỏ khuyết điểm lại cũng ngần ấy lần, nhưng sau khi chung sống một thời gian, cái kính ấy "bị bà tiên thu hồi" và đối tượng yêu lại hiện nguyên hình như nó vốn có, đôi khi cái kính thần ấy còn làm ngược lại.

Nhiều khi người ta yêu nhau vì những ưu điểm mà thực ra người kia không có và người ta lại bỏ nhau vì những khuyết điểm mà người kia cũng không có....

Sau nhiều khảo sát thực tế, nhà tâm lý tình dục người Ba Lan Edji Cralec nhận thấy: tất cả những người đang yêu say đắm đều có dấu hiệu của người....bị bệnh! Họ mất khả năng nhìn rõ sự thật về đối tượng yêu, bởi họ đang sống trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường, bị kích thích cao độ, khiến họ thường có phản ứng thái quá với những ai nói sự thật về người yêu của họ và xuất hiện tâm trạng luôn lo lắng người yêu không chung thủy hoặc không còn yêu họ như trước nữa, nghĩa là họ luôn sống trong tâm trạng bất an.

Chính vì nó có nỗi lo nơm nớp làm căng thẳng thần kinh như thế, họ mới mong ở bên nhau mãi mãi. Những người đang yêu thường nghĩ rằng tình yêu tuyệt đối và chỉ có kết hôn, tình yêu mới trở nên hoàn hảo. Nhưng trong thực tế khi đôi trai gái về chung sống dưới một mái nhà, trở thành người chồng - người vợ, cuộc hôn nhân của họ được pháp luật bảo vệ thì cảm giác hồi hộp khi nghĩ tới nhau và nỗi khao khát gặp nhau tự nhiên biến mất.

Họ không còn cố gắng thể hiện mặt tốt đẹp của mình như khi yêu nhau nữa, bởi lúc này công cuộc chinh phục đã hoàn tất. Người vợ không ngần ngại để chồng nhìn thấy khuôn mặt chưa trang điểm của mình. Người chồng cũng không cần phải ý tứ trong những thói quen sinh hoạt chẳng dễ chịu chút nào. Chính nhờ vậy họ thấy thoải mái, nhẹ nhàng trong cuộc sống chung. Khi đi làm, lúc nào cũng phải để ý tới hình thức, tinh thần lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng nên về tới nhà, ai cũng muốn rủ bỏ tất cả để nghỉ ngơi tự do và trả giá cho sự thoải mái đó, họ phải chấp nhận hy sinh tình yêu lãng mạn đầy cuốn hút, đắm say.

Đặc biệt với đàn ông, trước kia để chinh phục, họ dịu dàng, chiều chuộng phụ nữ bao nhiêu, thì bây giờ khi con cá đã câu được rồi, không ai còn tiếp tục đem mồi nhử nó nữa. Nhiều nghiên cứu cho thấy tính thợ săn của đàn ông rất mạnh, cho nên khi người phụ nữ đã bước vào cái võng gia đình, chẳng thể chạy trốn đi đâu được nữa, muốn lúc nào được lúc ấy thì tình cảm quyến luyến cũng như sự ham muốn tình dục của họ đối với vợ giảm hẳn đi đáng kể. Nhà tâm lý học người Nhật Wanataba Jumichi đã khảo sát hơn hai chục đàn ông trên 40 tuổi làm việc cho một tờ báo lớn ở Tokyo và ông nhận thấy đa số họ mỗi tháng chỉ ân ái với vợ trung bình một lần, có anh còn gọi là "nộp thuế" cho "phải đạo" nhưng nếu thay vợ bằng một phụ nữ trẻ đẹp khác không khéo họ "lấy lại phong độ" mà đến thanh niên cũng phải chào thua.

Tuy nhiên, đa số đàn ông vẫn không muốn ly hôn và tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn hiện nay vẫn gấp đôi nam giới là vì đàn ông ít có khả năng sống độc lập hơn phụ nữ và không khí gia đình khiến họ thấy an tâm.

Các khảo sát y học cũng cho thấy, trong khi yêu say đắm, tinh thần và thể xác con người đều bốc cháy rừng rực bởi ngọn lửa tình yêu, nhưng nhiên liệu chỉ có hạn nên không thể kéo dài được lâu. Nói tóm lại, tất cả các nghiên cứu về tình yêu trên nhiều phương diện khác nhau đều đi đến kết luận là "tình yêu say đắm" hay "tình yêu tuyệt đối" ít tồn tại mãi trong đời sống vợ chồng. Nếu người ta biết cách nuôi dưỡng, nó có thể tồn tại lâu hơn, nhưng đòi hỏi một cường độ lao động cho tình yêu rất cao, làm cho cả thể xác lẫn tinh thần mỏi mệt và đến một lúc nào đó cũng phải ....giải lao.

Chấp nhận sự thật

Nếu so sánh tình yêu trước và sau khi cưới, chúng ta thấy có những khác biệt rất rõ rệt. Khi còn trong giai đoạn tìm hiểu, người ta thường chú ý đến hình thức, đi đến điểm hẹn bao giờ cũng trang điểm, ăn mặc đẹp hơn, chính vì thế họ cuốn hút nhau bởi ngoại hình mỹ cảm. Để chìu chuộng người yêu, chàng trai sẵn sàng làm tất cả cho nàng vừa lòng, cô gái vui vẻ chấp nhận cả những thói xấu của chàng, không những thế còn biến những cái đó thành ưu điểm.

Chẳng hạn sự bừa bãi được xem là "tính nghệ sĩ", sự hoang phí gọi là "hào phóng", nhưng chỉ sau khi cưới nhau ít lâu, cái tính "ga lăng" ấy được gọi là "đồ phá của" và cuối cùng, người ta thất vọng trong hôn nhân.

Phần lớn các bà vợ thấy chồng không còn tình cảm cuồng nhiệt với mình và hàng ngày họ chỉ nhận được một thứ tình yêu nhạt như nước ốc. Họ không biết rằng đó là hậu quả tất yếu của hôn nhân mà một mực cho rằng chồng họ không còn giống như ngày xưa nữa và họ tự trách mình, hồi ấy còn non nớt quá, đã chọn lầm người.

Thậm chí có người còn tin rằng: nếu họ không chọn người chồng bây giờ mà chọn một trong số đàn ông đã yêu họ trước đây thì chắc chắn hai người vẫn còn duy trì được tình yêu tuyệt đối. Đó chính là sai lầm cơ bản khiến họ mơ tưởng một người khác sẽ mang đến cho họ một tình yêu tuyệt đối và nảy sinh ý nghĩ ngoại tình.

Tình nghĩa vợ chồng có vẻ đẹp riêng

Vậy làm thế nào để kéo dài tình yêu tuyệt đối? Rất có thể câu trả lời chính là "Đừng vội kết hôn". Và làm thế nào để tình yêu tuyệt đối trở thành vĩnh cửu? Hãy xem Roméo và Juliette của Shakespeare, bức tượng đài tình yêu đã ngả bóng xuống nhân gian hàng thế kỷ và sẽ còn đứng sừng sững đến muôn đời, vì cả hai cùng chết trên đỉnh cao của tình yêu tuyệt đối. Những câu trả lời như vậy có tàn nhẫn không? Tiếc rằng, đó lại là sự thực!

Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận sự thật ấy, chúng ta mới hết nghĩ rằng, hôn nhân là biện pháp duy nhất để có được tình yêu tuyệt đối, mới hết mơ tưởng thông qua hình thức kết hôn để được sống mãi bên người mình yêu và kéo dài tình yêu tuyệt đối đến suốt đời.

Nói tóm lại, tình yêu tuyệt đối không biết đi mất tăm, mất tích, nó sẽ theo dòng chảy lặng lẽ của thời gian biến thành cái thường nhật mà chúng ta gọi là "tình nghĩa vợ chồng" và tình cảm này lại có vẻ đẹp riêng của nó, cũng đáng được các nhà thơ và nhạc sĩ ca ngợi theo một tiêu chuẩn thẩm mỹ khác, chứ không phải là "tình yêu tuyệt đối loại hai"

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hồ Dzếnh viết:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

Cái vui trong đời sống vợ chồng không giống niềm vui lãng mạn, mơ màng khi người ta yêu nhau. Bởi vậy tình yêu có thể đến do một sự tình cờ nhưng hạnh phúcc gia đình không thể ngẫu nhiên mà có. Nó phải được vun đắp, xây dựng một cách có ý thức, có kế hoạch trên cơ sở những cái có thực. Nó gắn bó hai con người không chỉ bằng tình yêu mà còn bởi trách nhiệm với nhau, bởi nghĩa vụ với con cái, ông bà, cha mẹ.

Người ta  kết hôn không phải chỉ vì tình yêu. Nếu chỉ để yêu nhau thì có thể không cần kết hôn. Người ta xây dựng gia đình là vì những cái khác nữa. Vì đó là cái tổ ấm mà con người trở về với những người thân yêu của mình sau những vật lộn với cuộc đời để tồn tại.

Đừng nhầm lẫn hai giai đoạn của tình yêu. Nó khác nhau nhiều lắm đấy!.

Post a Comment

 
Copyright © 2013 CẨM NANG YÊU | Powered by Blogger